XÂY DỰNG Ô DINH DƯỠNG ĐỂ CẢI THIỆN BỮA ĂN GIA ĐÌNH

Bữa ăn gia đình thực sự rất quan trọng, vì ảnh hưởng đến sức khỏe của  các thành viên cũng như có vai trò gắn kết tình cảm. Đây được xem là chất keo kết nối sau một ngày vất vả lao động, học tập đấy ba mẹ à! Vì thế, củng cố và cải thiện bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng là một vấn đề rất đáng được quan tâm, nhằm tăng cường sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như duy trì hạnh phúc gia đình. Vậy, nên chọn thực phẩm như thế nào để đảm bảo yếu tố dinh dưỡng thiết yếu? Hãy cùng Cửa Sổ Vàng tìm hiểu điều này nhé!

Ô dinh dưỡng gồm những thành phần nào? 

Những nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ

Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trong các giai đoạn khác nhau sẽ tạo ra sự tăng trưởng và phát triển tối ưu, phòng chống hữu hiệu với đa số bệnh tật. Đồng thời còn giúp các thành viên trong gia đình có một thể lực khỏe mạnh, sức khỏe tốt, năng suất lao động cao và chất lượng cuộc sống tốt. Bữa ăn gia đình chính vì vậy có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…).

Vai trò của 4 nhóm thực phẩm đối với dinh dưỡng gia đình

Những nhóm chất dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ

Đầu tiên phải kể đến là nhóm bột đường, đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Trong bữa ăn của người Việt chúng ta thì gạo là lương thực được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra, cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác (như khoai lang, khoai tây, ngô …) để làm đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường lợi ích cho sức khỏe. Tuy  nhiên ăn nhiều bột đường cũng là nguy cơ gây nên 1 số bệnh như tiểu đường, vì thế cần cân đối trong khẩu phần ăn và nên chọn các loại ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, gạo xát dối, yến mạch, bột mì nguyên cám …)

Nhóm chất đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Trong bữa ăn hằng ngày, ba mẹ cần phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (như thịt, cá, trứng, sữa…) và đạm thực vật (từ các loại đậu, đỗ…). Các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò …) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout… do đó không nên ăn quá nhiều. Ba mẹ cũng nên tăng cường bổ sung vào các bữa ăn các loại thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần. Các loại hạt đậu, đỗ cũng là nguồn đạm thực vật tốt.

Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật) giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D, E, K. 

Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, vì thế nên sử dụng hạn chế. Mỡ cá và mỡ gia cầm lại có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt là omega 3, omega 6, omega 9, rất có lợi cho sức khỏe. Các loại dầu thực vật cũng thường có nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải… 

Ba mẹ cần lưu ý là dầu, mỡ để chiên rán chỉ lấy một lượng vừa đủ, dùng một lần rồi đổ bỏ, không dùng lại nhiều lần; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền có nhiều chất béo chuyển hóa thể trans cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, vì thế nên hạn chế tiêu thụ.

Nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả…) cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Các loại rau lá màu xanh sẫm và các loại rau và quả màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng, cung cấp chất sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt giúp cho cơ thể trẻ em tăng trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó rau, quả còn chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh mãn tính không lây. 

Những thực phẩm khuyến cáo không nên dùng trong bữa ăn gia đình

Cha mẹ cần lưu ý không cho trẻ sử dụng nhiều những món ăn vặt gây hại cho sức khỏe

Trong xã hội phát triển ngày nay ngày càng có nhiều các thực phẩm, món ăn chế biến sẵn với nhiều dầu, mỡ, đường, muối như các món ăn nhanh với khoai tây chiên, gà rán, pizza, sandwich …, nước ngọt có ga và không có ga, các loại bánh kẹo, xúc xích, thịt xông khói, bim bim… Các thực phẩm này ẩn chứa nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe (như béo phì, tăng huyết áp, rối lọan đường huyết, các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư ….) nếu tiêu thụ thường xuyên, nhưng vì tính tiện dụng và mới lạ cùng với sự quảng cáo, tiếp thị đầy cám dỗ đã cuốn hút không ít bộ phận dân cư, đặc biệt là trẻ nhỏ và giới trẻ tiêu thụ ngày càng nhiều. Điều này cần được các gia đình, các bậc phụ huynh quan tâm.

Thực tế là, mọi thực phẩm đều có những lợi ích và cả những tác dụng bất lợi, nhất là khi sử dụng quá nhiều. Do đó, ba mẹ nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa ăn, để có chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe. 

Bên cạnh đó cũng không quên làm sạch thực phẩm trước khi chế biến bằng máy Ozon life hoặc bằng thuốc muối Nabica đối với gia đình nào chưa có Ozon life. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ gia đình mình, chống lại bệnh tật và còn làm tăng thêm tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, khi hàng ngày cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình có dinh dưỡng hợp lý, ngon, rẻ và an toàn.

Related posts