Làm thế nào để dạy trẻ cách tự đứng lên sau những vấp ngã
Các bậc cha mẹ luôn mong muốn con khôn lớn và đi đến con đường thành công, hạnh phúc. Cha mẹ luôn sát cánh cùng con từ những việc giản đơn. Liệu sự bảo bọc, che chở hết mực của người lớn có thật sự đúng đắn. Hãy dạy trẻ cách tự đứng lên từ những lần vấp ngã và thất bại.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ vấp ngã?
Đối với quan niệm nuôi dạy con của người Việt, khi thấy trẻ vấp ngã hầu hết các bậc cha mẹ đều chạy đến bên con, nâng dậy và an ủi. Chính những hành động bao bọc quá mức đó, khiến trẻ quá lệ thuộc và dựa dẫm vào cha mẹ, trẻ ít có cơ hội nhận ra khó khăn, thử thách mà trẻ đối mặt trong cuộc sống.
Nếu muốn con trở nên thành công, bản lĩnh và mạnh mẽ tự đứng lên bằng ý chí và sức mạnh của mình thì cha mẹ nên dạy con cách đứng lên khi vấp ngã từ lúc còn nhỏ. Bởi cuộc sống ngoài kia là phong ba, bão táp chứ không còn ấm êm, hạnh phúc như trong vòng tay cha mẹ.
Khi thấy trẻ vấp ngã, cha mẹ nên quan sát xem trẻ có cần sự quan tâm, giúp đỡ không. Trẻ bị trầy xước, đau hoặc chảy máy thì chúng cần sự chăm sóc của bạn. Ngược lại, trẻ không gặp phải vấn đề nghiêm trọng, bạn hãy cố phớt lờ để trẻ tự đứng lên, phủi đồ và tiếp tục bước đi.
Ngoài ra, bạn nên an ủi, động viên con bằng cách dời sự chú ý của con đi nơi khác hoặc đồ vật khác. Hay bạn chỉ cần nở nụ cười từ xa (tránh việc chạy đến bên cạnh trẻ) và phân tích tại sao con ngã, hướng dẫn con cách tránh và chúng sẽ dần học được phương pháp không vấp ngã hoặc sẽ tự mình đứng lên.
Phương pháp tạo động lực cho trẻ
Muốn con thành đạt, giỏi giang hãy dạy con mạnh mẽ ngay khi còn nhỏ bằng cách xây dựng nghị lực cho trẻ từ những việc đơn giản nhất.
>> Xem thêm: Học cách nuôi dạy trẻ 2 tuổi biết nghe lời
Để trẻ tự làm mọi việc
Cha mẹ cần tạo điều kiện để trẻ tự làm những việc nhẹ nhàng (sắp xếp quần áo, tự mặc đồ) cho đến những việc phức tạp vừa sức của bé. Từ những việc làm đó, trẻ sẽ nhận ra được nên làm gì và sửa chữa như thế nào cho đúng.
Sau khi bé làm xong, bạn có thể hỏi thăm và khen ngợi để bé có thêm động lực, niềm tin thực hành những công việc tiếp theo một cách trọn vẹn. Khoa học đã chứng minh, trẻ tự bắt tay vào làm việc giúp trẻ hình thành sự sáng tạo, năng động từ khi còn nhỏ.
Giúp trẻ hiểu chính xác thế nào là tự thân vận động
Đối với thế giới của trẻ rất đơn thuần, trong sáng và tinh khiết. Do đó, cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, hãy đặt trẻ vào các tình huống giả định nào đó để trẻ tự trình bày suy nghĩ và đưa ra hướng giải quyết trẻ cho là hợp lý nhất. Nhờ luyện tập với
những tình huống, trẻ có thể phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tự tìm ra định nghĩa “tự thân vận động”.
Dạy con dùng từ “tích cực” khi nói về bản thân
Theo điều tra, trung bình mỗi ngày trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng khoảng 300 lần những từ tiêu cực để tự nói về bản thân. Bạn hãy giúp trẻ làm quen với những từ tích cực thay vì dùng từ tiêu cực khi trò chuyện hoặc giới thiệu về mình. Nếu nói lời tích cực khiến bản thân có thêm động lực, trẻ bớt stress và có thành tích tốt.
Cha mẹ hãy cố gắng nắn nót, chỉnh sửa từng lời nói khi trẻ còn nhỏ. Khi bé nói “Con không hiểu” hay “Con không biết” bạn hãy chuyển sang câu khác tích cực hơn như “Con chưa biết”, “Con chưa làm được”. Cứ luyện tập thường xuyên như thế, bé sẽ trang bị cho thế giới ngôn từ của mình thêm nhiều từ ngữ tích cực đấy.
Chỉ với những điều đơn giản trên bạn đã có thể dạy trẻ cách tự đứng lên sau những vấp ngã rồi đấy. Chúc bạn thành công!
Nguồn: Sưu tầm