Khi trẻ giành đồ chơi – Cha mẹ hãy là nhà hoà giải chứ đừng là quan toà
Khi chơi chung với nhau, không thể tránh khỏi trường hợp va chạm, tranh giành đồ chơi giữa các bạn nhỏ. Nếu cha mẹ xử lý không khéo sẽ dễ dàng gây cho trẻ những tổn thương hoặc những hiểu biết sai nguy hiểm.
Hãy cùng Cửa sổ vàng học cách trở thành nhà hòa giải thông qua 3 bước:
Bước 1: Không can thiệp ngay.
Khi trẻ xảy ra tranh chấp, người lớn thường gấp gáp can thiệp để giảm thiểu tối đa mức độ tranh chấp ở trẻ. Tuy nhiên, bạn nên để sự tranh chấp xảy ra bởi đây chính là cơ hội để trẻ học cách xử lý tình huống. Chúng ta chỉ nên can thiệp khi mâu thuẫn dần lớn, không chỉ là “lời qua tiếng lại” nữa.
Bước 2: Để trẻ bình tĩnh.
Khi nóng giận người lớn còn mất bình tĩnh huống chi là trẻ nhỏ. Thay vì cố gắng phân giải ngay tại chỗ, cha mẹ nên tách trẻ ra đứng riêng biệt. Trấn an trẻ bằng những câu như “Con bình tĩnh và nói cho ba/mẹ biết có chuyện gì được chứ?”
Nhấn mạnh cho trẻ hiểu rằng con cần phải bình tĩnh.
Ví dụ như trẻ đang khóc, hãy ôm trẻ và nói “Con khóc thì kể sẽ không rõ ràng. Hít thở sâu nào, nín khóc rồi kể lại mọi chuyện cho ba/mẹ hiểu được không?”
Việc quan trọng hàng đầu để là một nhà hòa giải chính là sự bình tĩnh bằng cách trấn an trẻ và hướng dẫn trẻ hít thở sâu.
Và khi trẻ đã bình tĩnh lại, kể đầu đuôi câu chuyện thì cha mẹ hãy nghiêm túc lắng nghe. Việc được lắng nghe sẽ giúp trẻ cảm thấy mình được cảm thông, cảm xúc tiêu cực cũng sẽ được giảm bớt. Đôi khi tới bước này, mâu thuẫn giữa các con đã được giải quyết. Trong trường hợp trẻ vẫn muốn một sự hòa giải cụ thể thì ta sẽ cùng chuyển sang bước thứ 3.
>> Xem thêm: Những mẹo “trị” thói vòi vĩnh của trẻ
Bước 3. Cùng trẻ giải quyết.
Mở một “hội nghị bàn tròn” cùng các con nói chuyện, phân tích mặt tích cực của chơi cùng nhau, rằng việc vì một món đồ mà các con xích mích thật là không đáng, rằng bạn bè thì chúng ta nên học cách sẻ chia…
Trong quá trình “phân xử” này, người lớn đóng vai trò nhà hòa giải là trung gian, phân tích khách quan cho trẻ, tuyệt đối cha mẹ không là người ra quyết định chính hoặc ép buộc trẻ phải chơi thế này, phải chơi thế kia.
Muốn giải quyết mâu thuẫn, cha mẹ cần đặc biệt chú ý:
- Không tỏ ra bênh vực cho bên nào. Trẻ sẽ cảm thấy bất công, sinh ra cảm giác phản kháng dẫn tới việc giải quyết mâu thuẫn không suôn sẻ.
- Tôn trọng cảm xúc trẻ: Không có đứa trẻ xấu hay hư, các con chỉ đang làm theo cảm xúc của bản thân và ta cần thông cảm, chỉ dẫn cho con.
- Khen trẻ khi con đồng ý giảng hòa: Việc khen trẻ kèm với hoạt động giống như một cách khích lệ trẻ duy trì hành động tốt đẹp đó.
Thông qua cách xử lý phù hợp của cha mẹ khi là nhà hòa giải còn cho trẻ thấy được cách xử sự:
- Công bằng với cả bên tranh giành và bên bị tranh giành.
- Đem lại tính giáo dục cao: bên tranh giành sẽ không tái diễn hành vi xấu, trong khi bên bị tranh giành cũng học được bài học khi chơi với bạn.
- Giúp dạy trẻ tăng tính tự lập, biết chia sẻ, có kỹ năng giải quyết vấn đề.