Khi nào cha dạy con là thích hợp nhất
Theo quan niệm người xưa, con sẽ học được từ mẹ những cảm giác đầu đời và hình thành tính cách con nhận từ cha. Mặc dù, nhiều người cho rằng mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con nhưng có những điều người cha làm tốt hơn.
Vai trò của người cha trong việc nuôi dạy con
Có câu “một lời cha dạy bằng vạn lời mẹ nói”, do đó những suy nghĩ, tư tưởng của người cha ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Vì vậy, người cha đóng một vai trò quan trọng, cần thiết trong việc dạy dỗ con trẻ.
Người cha được xem như “nóc nhà” che chở cho cả gia đình, là trụ cột chính để các thành viên dựa dẫm và nương tựa, là nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của trẻ. Thời đại ngày nay, vai trò của người cha càng được đề cao, đặc biệt trong việc giáo dục con cái. Cha trở thành một người bạn, người thầy giúp định hướng tương lai, làm chỗ dựa tinh thần khi con mỏi mệt, thêm động lực và sức mạnh cho con tự tin bước vào đời.
Thực trạng các bé trai có xu hướng “nữ tính”
Ngày nay, trẻ em thường bị cha bỏ bê, lơ là trong việc dạy dỗ, giáo dục vì ngày bận làm ở công ty, tối lại lủi thủi làm việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho gia đình. Do trong tư tưởng của người Việt, người đàn ông là trụ cột của gia đình nên phải ra đường kiếm tiền, còn “thiên chức” của người phụ nữ là nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái. Vì thế, vô tình vai trò giáo dục của người cha bị giảm sút đáng kể.
Phần lớn, con cái gần gũi và nhận được sự chăm sóc dưới bàn tay của người phụ nữ như mẹ, bà nội, bà ngoại, … Từ việc chăm chút ăn uống, đưa con đến trường, dạy con học hành đều một tay mẹ lo liệu nên các bé trai có xu hướng “nữ tính” quá mức cần thiết. Sợi dây gắn kết tình cảm giữa cha con và các thành viên trong gia đình bị lỏng lẻo, khiến trẻ không được sự giáo dục của cả cha lẫn mẹ. Đó là một điều thiệt thòi cho sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ sau này.
Nguyên nhân thiếu vắng sự dạy dỗ của người cha đối với con cái
Xã hội ngày càng phát triển khiến người đàn ông trở nên bận rộn, thời gian ở bên vợ con ngày một hiếm hoi. Đó là thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở cuộc sống hiện đại này.
Ông bà ta có câu “đàn ông lo việc bên ngoài, phụ nữ chăm sóc gia đình” nên nhiều người cha để trách nhiệm dạy dỗ con cái cho vợ. Từ đó, người mẹ trở thành “người giữ cửa”, xem việc giáo dục và chăm sóc con là nhiệm vụ của bản thân, không để cha can dự, dẫn đến tình trạng người cha khi săn sóc con rất vụng về.
Đôi lúc gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của cha, khiến họ bận rộn, đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, thời gian bên con thật sự hiếm hoi, khó lòng dạy bảo con. Nhưng hơn hết, ý thức trách nhiệm của cha là nhân tố quan trọng. Người cha có ý thức dạy dỗ con cái thì càng đầu tư vào việc giáo dục trẻ ngay từ nhỏ. Nếu cha có trách nhiệm sẽ luôn ưu tiên việc quan tâm con trẻ lên hàng đầu, thực hiện tốt vai trò làm cha.
Theo nghiên cứu từ trường Đại học Harvard danh giá, trong quá trình phát triển, trẻ em được vui chơi và nhận sự dạy dỗ của cha sẽ thông minh hơn. Ngược lại, những đứa trẻ thiếu đi tình thương của cha trở nên rụt rè, nhút nhát và khó hòa nhập với mọi người. Vì vậy, người mẹ không thể thay thế được vai trò của những ông bố trong gia đình.
Các ông bố hãy dành thật nhiều thời gian bên con, kể cho con nghe về những trải nghiệm và tuổi thơ của mình để con gần gũi và quý trọng những phút giây ấy. Đặc biệt, sau những buổi tâm sự, trải lòng sẽ giúp con dũng cảm, quyết đoán và tự tin bước ra thế giới bên ngoài. Cha hãy trở thành một người bạn, người thầy, là chiếc cầu nối giúp con vững tin hơn trên con đường đời nhé!