GIÚP CON NÓI NĂNG LƯU LOÁT VÀ LOGIC
Có khi nào ba mẹ cảm thấy khó khăn để hiểu được tiếng nói “líu lo” của con chưa? Việc con nói ngọng, nói lắp hay diễn đạt chưa được hợp lí điều con muốn là điều thường thấy ở những em bé độ tuổi bibo học nói. Vậy làm sao để giúp con có khả năng ăn nói lưu loát khi nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình? Bằng việc luyện tập cho con ở nhà, bé vẫn có thể giao tiếp tốt trong nhiều tình huống với nhiều đối tượng khác nhau.
NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP Ở TRẺ NHỎ KHI MUỐN DIỄN ĐẠT
Nói ngọng là điều đầu tiên trẻ mắc phải khi bước đầu học nói. Thực chất không có gì sai và quá trầm trọng, tuy nhiên nếu để lâu sẽ dẫn đến nói ngọng khi lớn, ảnh hưởng việc học tập và giao tiếp của con. Ngoài những nguyên nhân bẩm sinh như lỗi cấu tạo vòm họng, hở hàm ếch…mà ba mẹ cần phát hiện sớm để đưa con đi điều trị, thì nguyên nhân thông thường sẽ do khi còn nhỏ, cấu tạo của các bộ phận như lưỡi, hàm, môi, răng,… còn chưa được hoàn thiện, ngậm núm vú giả thường xuyên, thói quen sử dụng ngôn ngữ của người lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành ngôn từ của trẻ nhỏ. Cách chữa nói ngọng cho trẻ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, chính vì vậy quan trọng nhất khi chữa nói ngọng cho trẻ là tìm ra lý do gây ra tình trạng này.
Bên cạnh đó là tật nói lắp ở trẻ nhỏ. Đây là chứng rối loạn ngôn ngữ tạm thời hoặc mãn tính. Điều này thường do di truyền, quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ, hay do yếu tố thần kinh… Vì thế ba mẹ cũng cần điều chỉnh để con có cách diễn đạt tốt hơn.
Ngoài ra một số biểu hiện như phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn… cũng nên được ba mẹ lưu tâm và uốn nắn con ngay từ sớm.
KỸ NĂNG DIỄN ĐẠT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA CON
Sự phát triển ngôn ngữ là yếu tố quan trọng giúp trẻ hoàn thiện các khả năng khác như giao tiếp, nhận thức, bộc lộ cảm xúc, kiểm soát hành vi và ứng xử của trẻ. Kỹ năng diễn đạt suy nghĩ của mình một cách trôi chảy, lưu loát, và cao hơn nữa là làm cho nó trở nên lôi cuốn người nghe, hợp logic là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp và tư duy. Ở những năm đầu đời, con trẻ có thể diễn đạt còn thô vụng, tuy nhiên có những trẻ lại nói rất sõi và thể hiện khả năng ngôn ngữ tốt. Như vậy có thể thấy kĩ năng này có thể được rèn luyện và trau dồi.
Khi con nói không rõ tiếng, nói ngọng nói lắp… việc diễn đạt của con bị cản trở, việc giao tiếp với các bạn, thầy cô và người thân cũng kém đi. Nếu để lâu dần trở thành mãn tính, lớn lên nó ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển của con. Bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào cũng cần 1 người biết diễn đạt tốt và có tư duy ngôn ngữ logic. Đặc biệt là 1 số ngành như MC, giáo viên, saler, diễn viên, chính trị gia… Vậy việc nói lưu loát và logic thực sự mang lại cho con rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cũng như thiện cảm trong các mối quan hệ khi trưởng thành và ngược lại.
Một điều cần lưu ý là những trẻ thường xuyên xem quảng cáo, phim hoạt hình, chương trình tiếng nước ngoài càng gặp khó khăn vì tốc độ lời nói trẻ nghe được rất nhanh, khác với ngôn ngữ đời thường, lại không nhìn thấy hình miệng cho từng âm nên có thể nói ngôn ngữ mà trẻ đang tri giác và ghi nhận chỉ là một chuỗi âm thanh liên tục. Bởi Tivi chỉ phát ra âm thanh một chiều, trẻ thu nhận tất cả không chọn lọc và không phản hồi. Điều này gây khó khăn cho việc hiểu cũng như diễn đạt ngôn ngữ ở trẻ về sau.
LÀM SAO ĐỂ GIÚP CON NÓI NĂNG LƯU LOÁT, TRÔI CHẢY
Ở lứa tuổi này, bé cần học hỏi trực tiếp từ cha mẹ và môi trường xung quanh, điều này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Trong quá trình tương tác với cha mẹ, người lớn, trẻ sẽ dần dần học cách dùng từ để mô tả những gì mà trẻ nhìn – nghe – sờ – cảm thấy cũng như các suy nghĩ của mình, từ đó trẻ có những bước nhảy vọt về trí tuệ, tình cảm và hành vi ứng xử.
Ba mẹ nên giữ cho bé một tinh thần thoải mái, không gây căng thẳng, gây áp lực cho bé. Nếu con phát âm sai một từ hay diễn đạt chưa tốt, ba mẹ chỉ cần nói lại câu đó một cách chính xác và tiếp tục.
Hướng dẫn bé cách đặt lưỡi, cách lấy hơi, làm mẫu cho bé để bé có thể học theo. Chú ý cách phát âm của bản thân cũng như các thành viên khác trong gia đình, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người nói ngọng. Trẻ nhỏ rất thích bắt chước và những gì bạn nói cho con nghe cũng vậy, vì vậy hãy giúp con thấm nhuần những thói quen tốt từ sớm.
Khi nói chuyện hay hát cho bé nghe phải dùng từ thật chuẩn và thường xuyên, bé sẽ bắt chước được theo những gì bạn nói, hát. Không nên nhại lại câu nói ngọng đó, điều đó sẽ khiến bé không ý thức được rằng bé đã phát âm sai, đồng thời khiến cho việc nói ngọng của bé nặng hơn.
Chúng ta cũng có cách tự nhiên nhất để làm được việc này là bất kỳ khi nào có thể, hãy sử dụng những từ khác nhau cho từng sự vật mà con thấy nhé. Ví dụ, cùng gọi là xe nhưng nó có thể chia ra là xe tải, xe máy, ô tô…
Cho dù con chỉ mới ê a đọc từng từ, từng chữ thì con vẫn có thể sáng tạo ra những câu chuyện của riêng mình khi con lật mở từng cuốn sách. Hoặc con có thể thuộc lòng một cuốn sách mà ba mẹ kể cho con nghe. Đọc sách cho con nhiều cũng giúp cho con có vốn từ vựng phong phú, dần phân biệt được ngữ nghĩa, thậm chí hiểu được một vài khái niệm.
Để giúp con được tự tin khi nói chuyện với người lớn, ba mẹ có thể để bé được nói chuyện với họ bất kỳ khi nào có cơ hội. Ví dụ, khi đi mua đồ, có thể để con được nói chuyện với người bán hàng hoặc khi đi ăn, con cũng có thể nói chuyện với nhân viên phục vụ khi gọi món và kiềm chế không trả lời giúp con khi người phục vụ đặt câu hỏi.
Ghi âm lại những gì con hát hay một câu chuyện con kể: Chắc hẳn con sẽ rất thích thú khi được nghe lại chính giọng nói của mình cũng như là thấy ngạc nhiên, thích thú với cách mình nói chuyện với người khác.
Ba mẹ hãy thử để con kể cho cả nhà nghe một câu chuyện. Nếu thấy con bỏ qua những chi tiết chính và nói những điều mà ba mẹ không hiểu được, chúng ta có thể hỏi lại con cho rõ. Và mình cũng có thể nhắc lại bằng một cách khác để con thấy được rằng sẽ có những cách diễn đạt khác nhau để mình sử dụng.
Chương trình Bibo English của Cửa Sổ Vàng có những công cụ khai mở trí thông minh ngôn ngữ của con giai đoạn đầu đời vô cùng hiệu quả. Em bé không chỉ nói được tiếng Anh, tiếng Việt lưu loát mà còn có thể tiếp nhận nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trí thông minh ngôn ngữ của trẻ có cửa sổ là 4 năm đầu đời, trong đó 2 năm đầu cửa sổ ngôn ngữ mở toang. Vì thế, các cha mẹ hãy tận dụng khoảng thời gian Vàng này để Khai mở Trí thông minh ngôn ngữ cho con nhé!