Con bạn đã ăn vạ bao giờ chưa? (cách giúp con hiệu quả)
Trẻ ăn vạ là điều không mới lạ với tất cả chúng ta và cách xử lý của mỗi người mỗi khác. Hôm nay tôi sẽ nói về Quy trình xử lý trẻ ăn vạ đã được chứng minh là hiệu quả, các bố mẹ hãy tham khảo nhé:
1. Đưa trẻ ra khỏi nơi xảy ra “hỗn loạn”.
2. Ngăn trẻ bằng cách ôm chặt trẻ giúp trẻ bình tĩnh trở lại.
3. Dạy trẻ bằng cách dùng LỜI NÓI thay vì hành động bạo lực. Trẻ dưới 2 tuổi nói ngắn gọn dễ hiểu, dùng các từ khóa để nói cho trẻ dễ hiểu.
Trẻ 3 tuổi thì có thể nói nhiều hơn. Ví dụ: “mẹ xin lỗi, mẹ biết là con không thích mẹ ôm con lúc này, nhưng mẹ không thể để con làm đau con và đau các bạn khác. Con hãy BÌNH TĨNH lại trong ít phút. Mẹ biết con đang buồn bực, mẹ biết con đang cáu giận, một vài phút thôi, con sẽ thấy bình tĩnh trở lại. Khi nào con bình tĩnh trở lại, mẹ sẽ thả con ra”.
Khi con bình tĩnh hơn hãy nói: “mẹ rất vui vì thấy con bình tĩnh trở lại rồi” >> Ôm con vào lòng (nếu con muốn).
4. Không tức giận, hay đe dọa con – Giữ bình tĩnh cho chính mình.
5. Con sẽ khóc và cảm thấy giận dữ cũng không sao, cần phớt lờ yêu cầu vô cớ của con.
6. Chú ý đến cảm xúc của chính mình. Nếu chúng ta cáu giận và buồn bực sẽ làm trẻ cáu giận và buồn bực hơn.
7. Tự kiểm soát bản thân sẽ phát triển bên trong con.
8. Không để người khác xen vào dỗ dành con nếu người đó không hiểu rõ nguồn cơn.
9. Nếu mẹ không giữ được bình tĩnh, hãy ra hiệu cho bố hoặc người khác hiểu tình huống này giúp đỡ và tiếp tục với trẻ. Còn bạn hãy ra một chỗ khuất và xả năng lượng tiêu cực.
Bài viết có thể bạn quan tâm: Làm thế nào để dạy trẻ cách tự đứng lên sau những vấp ngã
Khi trẻ tập đi có cơn giận dữ, thì đó là điều tự nhiên. Trẻ tức giận vì trẻ chưa học được cách giải quyết điều đó. Chúng ta sẽ cương quyết ” Khi con khóc thét, mẹ không hiểu con muốn gì. Khi nào con bình tĩnh thì lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện và chúng ta sẽ tìm ra con cần gì, mẹ có thể giúp con. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
Trong khi trẻ giận dữ và trẻ khóc, ta vẫn cần giữ thái độ điềm tĩnh nhẹ nhàng: “được rồi, được rồi, con sẽ ổn thôi, con bình tĩnh lại nhé”.
Vậy đấy bố mẹ ạ. Chúng ta không thể cho đi thứ chúng ta không có được. Chúng ta cũng không thể giúp con bình tĩnh trở lại khi chính mình không bình an và điềm tĩnh. Vấn đề lại đôi khi nằm ở chính chúng ta chứ không hẳn là phía con trẻ.
Chúc bạn mỗi ngày càng trở nên thấu hiểu rõ bản thân và thiên thần của mình. Từ đó, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.