Bí mật người Do Thái dạy con làm giàu
Giáo dục con ngay từ lúc còn thai nhi không quá xa lạ với các bậc phụ huynh Việt Nam. Cha mẹ đọc được các phương pháp dạy con trong giai đoạn thai sản từ các nước phát triển. Nhưng lại có quá nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia. Liệu rằng những phương pháp đó khi áp dụng với con bạn có phù hợp không và đâu là phương pháp tốt nhất dành cho con?
Như các bạn đã biết, Donal Trump – Tổng thống Hoa Kỳ, Warren Buffet – tỷ phú giàu thứ hai thế giới, George Soros – tỷ phú cổ phiếu…, là những tên tuổi đại diện cho dân tộc Do Thái thông minh. Vì sao người Do Thái lại chiếm tỷ lệ lớn những tỷ phú giàu nhất thế giới?
Không giống nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Do Thái dạy trẻ về tiền bạc khi lên 3-4 tuổi. Trong triết lý của người Do Thái, tiền bạc không phải là một phương tiện để áp bức kẻ khác hay để thống trị thế giới. Đây cũng không phải là công cụ của lòng tham. Tiền bạc xuất hiện trong ước mơ công bằng và hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Tiền bạc là để giải phóng thời gian dành cho tâm linh.
Cách dạy con nhận biết tiền của người Do Thái
Trẻ con Do Thái tiếp xúc với tiền khi chỉ mới lẫm chẫm bước đi. Cha mẹ cho con cầm nắm, chơi và phân biệt tiền xu, tiền giấy, mệnh giá tiền của từng tờ.
Đồng thời, cha mẹ dạy con biết tiền này từ đâu mà có, phải làm gì để có tiền và tiền có thể mua bất cứ thứ gì con muốn. Khi đã quen với sự có mặt của tiền, trẻ lớn hơn sẽ biết dùng tiền mua đồ đạc, trao đổi hàng hóa.
Họ dạy con cách giữ tiền từ nhỏ
Nhiều quốc gia khác không cho trẻ 3-5 tuổi tiền tiêu vặt. Người Do Thái lại không như vậy. Họ cho con giữ tiền từ khi còn nhỏ và cho con hiểu rằng khoản tiền đó con phải quản lý theo nhu cầu chi dùng.
Khi cha mẹ đã cho tiền tiêu vặt, con không được xin tiền mua kẹo bánh, đồ chơi và dựa dẫm vào cha mẹ. Với khoản tiền đó, nếu con xài hết, con phải nhịn các khoản khác.
Trẻ 10-12 tuổi sẽ được cha mẹ mở cho tài khoản riêng mang tên mình ở ngân hàng, kèm một số tiền nhất định. Với tài khoản này, con trải nghiệm việc cùng cha mẹ thực hiện các thủ tục ngân hàng. Con sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm với tài khoản này, và chi dùng rất thông minh để không xài phí “gia tài” của mình.
Cha mẹ sẽ theo sát con trong những năm đầu, khi con chưa có kỹ năng quản lý tiền bạc. Nếu vì món đồ chơi nào đó trẻ tiêu hoang, cha mẹ sẽ cảnh báo khả năng con “phá sản”.
Đồng thời, họ cùng con lập kế hoạch chi tiêu. Con không kháng lại được món đồ chơi và quyết định trút hầu bao mua? Không sao, con sẽ không còn tiền cho món khác. Dù con có khóc lóc năn nỉ, cha mẹ cũng không bao giờ mua cho con vừa lòng. Phải chịu trách nhiệm về việc chi tiêu, trẻ em Do Thái biết “liệu cơm gắp mắm”, không mè nheo vòi vĩnh.
>> Xem thêm: Con bạn đã ăn vạ bao giờ chưa? (cách giúp con hiệu quả)Trẻ em Do Thái được dạy kỹ năng kiếm tiền
Trẻ em các nước khác thường chỉ có cách giảm chi để bảo toàn tài khoản của mình. Người Do Thái tiến hơn một bước. Họ khuyến khích con cái có nhu cầu chi dùng, nhưng phải tìm cách tăng thu để bảo vệ tài khoản.
Họ bồi dưỡng ý thức kiếm tiền của con để cho chúng hiểu được những quy tắc kiếm tiền, quy tắc quay vòng vốn, hiểu được những đạo lý đơn giản về báo đáp và thù lao qua những ví dụ thực tế trong lao động.
Trẻ có rất nhiều cách có thể kiếm tiền: Bán nước chanh vào ngày nghỉ, thanh lý những món đồ mình không dùng tới, trông trẻ, làm vườn… Đồng tiền từ sức lao động của chính mình là bài học vỡ lòng cho trẻ em Do Thái, mang đển của cải vật chất và cả tinh thần.
Trẻ em Do Thái học kỹ năng quản lý tài sản theo nguyên tắc “Năm chiếc lọ”
Không chỉ tạo tài khoản ngân hàng cho con, người Do Thái có rất nhiều cách dạy con quản lý tài sản. Ngay từ nhỏ, họ đã dạy con quản lý tài chính theo nguyên tắc “Năm chiếc lọ”, chia tiền thành nhiều khoản khác nhau để quản lý cho chặt chẽ. Những thao tác ngân hàng như mở tài khoản, rút tiền, gửi tiền, lãi suất tiền gửi, nhận tiền… đều trở thành kỹ năng quen thuộc của trẻ em Do Thái.
Không chỉ vậy, trong cuộc sống hàng ngày, trẻ em cũng được dạy cách quản lý sử dụng năng lượng trong gia đình, chi phí sinh hoạt hàng tháng, dành dụm tiền đóng học phí các lớp ngoại khóa, dành tiền học đại học…
Kỹ năng dùng tiền cho cuộc sống tốt đẹp
Không biến con cái mình thành những cái máy kiếm tiền lạnh lùng, người Do Thái đưa tiền bạc thành triết lý sống. Quản lý tốt tiền bạc, thái độ với đồng tiền được xem như cách giáo dục đạo đức và cách ứng xử cho trẻ. Từ những bài học về tiền bạc, con trẻ sẽ được truyền thụ nhân sinh quan về cuộc đời.
Trẻ cũng thường xuyên tham gia các hoạt động gây quỹ cộng đồng. Trẻ sẽ hiểu đồng tiền kiếm được chân chính tạo nên giá trị con người, giúp con người thực hiện được những điều mình thích. Đồng thời, đồng tiền ấy có thể san sẻ với những người bất hạnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn.