TẨY GIUN CHO TRẺ

Hiện nay, tỷ lệ nhiễm giun sán ở cả thành thị và nông thôn Việt Nam còn rất cao. Nông thôn nhiều hơn thành thị. Thế nên, Bộ Y Tế đã có hẳn một hướng dẫn về việc tẩy giun tại cộng đồng.

VÌ SAO CẦN TẨY GIUN CHO TRẺ 

Khi trẻ bị nhiễm giun sán có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: Chán ăn, kém hấp thu. Giun ký sinh lâu ngày làm giảm quá trình hấp thụ dưỡng chất cần thiết, khiến cơ thể thiếu hụt vitamin. Trẻ bị mất cảm giác thèm ăn, ăn mất ngon. Giun ký sinh cũng sẽ hút hết các chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu protein. Tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu hụt do bị giun trong thời gian dài khiến trẻ bị kém tăng trưởng về thể chất (sức khỏe yếu, thấp còi hơn bạn bè cùng trang lứa) và trí tuệ (không tập trung, học hành sa sút).

Bên cạnh đó, nhiễm giun còn tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm:  viêm ruột thừa, tắc và thủng ruột, rối loạn tim mạch khi nhiễm nhiều giun đũa…

 

NGUYÊN NHÂN GÂY RA BỆNH GIUN SÁN Ở TRẺ

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do trứng giun lây nhiễm qua thức ăn, nước uống, các vật dụng trong nhà. Do trẻ nhỏ không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và hay có thói quen cho tay lên miệng nên dễ bị nhiễm giun. Trẻ em thường hiếu động hay nghịch đất, cát,  bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay, cầm nắm thức ăn, có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn, vì thế trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun, sán. Một số trường hợp nhiễm bệnh là do nuốt phải trứng giun bay trong không khí. 

Sau khi nuốt, trứng nở trong tá tràng thành ấu trùng giun, rồi di chuyển xuống manh tràng và phát triển thành giun trưởng thành. Chúng bám lỏng lẻo vào niêm mạc manh tràng và các đoạn ruột lân cận. Tại đây, giun đực thực hiện giao phối với con cái. 

Một khoảng thời gian ngắn sau đó, có thể vài giờ, nếu môi trường thuận lợi thì ấu trùng giun sẽ hình thành và phát triển tại nếp nhăn của hậu môn. Do ấu trùng giun có thể đi ngược dòng trở lại đường ruột và phát triển thành giun trưởng thành rồi gây bệnh. Vì vậy, những người có giun kim đang đẻ trứng ở hậu môn có nguy cơ bị nhiễm lại. Do ấu trùng giun có thể đi ngược dòng trở lại đường ruột và phát triển thành giun trưởng thành rồi gây bệnh.

DẤU HIỆU CON BỊ NHIỄM GIUN SÁN

Khi bị nhiễm giun, trẻ sẽ có một số triệu chứng điển hình như: Đau bụng vùng rốn ở trẻ em, bụng ỏng, gầy yếu, trẻ có thể nôn ra giun, ị ra giun. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần. Trẻ nhiễm giun thường khó ngủ, đôi khi đái dầm, hay quấy khóc do ngứa hậu môn vào ban đêm. 

Thêm nữa là trẻ sẽ có thể bị rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc lúc lỏng, có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân. Trẻ biếng ăn hoặc ăn nhưng không hấp thụ được, có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Có thể có máu trong phân, xét nghiệm trong phân sẽ thấy có trứng giun. Trong một số trường hợp nhiều giun đũa thì siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh của giun đũa.

 

KHI NÀO THÌ NÊN TẨY GIUN CHO TRẺ

Bạn đừng hỏi dạo này con em lười ăn quá, em có cần tẩy giun cho con không? Câu trả lời là có! Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên  mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn, 1 tuổi cũng có thể tẩy giun được nhưng phải chọn loại thuốc thích hợp và theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc tẩy giun trên thị trường hiện nay chủ yếu có chứa hai hoạt chất mebendazol và albendazol, trong đó mebendazol dễ sử dụng. Tác động của mebendazol bằng cách ức chế, ngăn cản sự tiêu thụ chất dinh dưỡng của các loại giun. Tần suất tẩy giun có thể 6 tháng hoặc 1 năm uống thuốc tẩy giun 1 lần. Tùy từng hoàn cảnh. 

 

CÁCH PHÒNG NGỪA GIUN CHO TRẺ

Để tránh tình trạng nhiễm giun cho bé ba mẹ nên phòng ngừa nhiễm giun bằng nhiều cách và hãy áp dụng hằng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất có thể.

Ba mẹ nên tập cho bé thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho bé ăn.

Chú ý vệ sinh ăn uống, nên cho bé uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa. Không ăn đồ tái, nhúng chưa chín kỹ. Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Thức ăn đậy kín không để ruồi, nhặng đậu vào, không để rác thải bừa bãi gần trẻ.

Thực hiện và dạy trẻ vệ sinh thân thể thường xuyên, cắt móng tay cho bé, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần bé đi đại tiện, không cho bé đi đại tiện bừa bãi, mặc quần cho con trong mọi hoàn cảnh. 

Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà. Bên cạnh đó, còn một số cách tẩy giun theo phương pháp dân gian mà ba mẹ cũng nên tham khảo như xay hạt bí sống cho con uống hoặc lột vỏ ăn sống (còn lớp lụa xanh bám trên nhân hạt), uống/ ăn liên tục 5-7 ngày lúc bụng đói vào mỗi sáng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn (tẩy giun đũa, giun kim, giun mốc), ăn đu đủ chín, uống nước rau sam hay cho con uống nước cốt lá mơ lông… Mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp ba mẹ phòng và tẩy giun cho con hiệu quả, giúp con ăn ngoan ngủ ngoan và phát triển khỏe mạnh!

Related posts