Hiểu về giấc ngủ của trẻ
Các mẹ hiểu về giấc ngủ của trẻ không? Giấc ngủ là khoảng thời gian để não bộ nghỉ ngơi sau một ngày dài. Cũng như người lớn, trẻ em có một đồng hồ sinh học cho riêng bản thân mình, nếu không được ngủ đủ giấc bé sẽ thấy rất mệt mỏi, cáu gắt. Tùy vào đặc điểm, thói quen của mỗi bé mà bé có giấc ngủ dài ngắn khác nhau và khi lớn lên thời gian ngủ của bé sẽ ngắn lại.
Tại sao bé thức giấc thường xuyên?
Nhiều cha mẹ thắc mắc, con em trong 1 đêm thức giấc rất nhiều lần, như vậy bé có sao không hay có thiếu chất gì không?
Có nhiều lý do tại sao bé thức giấc:
– Giai đoạn thức giấc tự nhiên sau giai đoạn ngủ động/ngủ REM.
– Bé đói
– Bé bị đầy hơi
– Tã ướt/đầy
– Bé cần được dỗ dành hoặc gần gũi với mẹ
– Tác động bên ngoài như tiếng ồn hoặc nhiệt độ (nóng/lạnh)
– Lý do sức khỏe (bé đau, bé mọc răng, hoặc bị bệnh)
Việc bé thức giấc là một điều hoàn toàn bình thường và hết sức tự nhiên. Người lớn cũng có những lần thức giấc khi đang ngủ. Tuy nhiên chúng ta thường không nhận ra điều này bởi vì cơ thể người lớn đã biết cách điều chỉnh và có thể ngủ lại một cách dễ dàng. Bé thức giấc thường xuyên bởi vì bé ngủ động nhiều hơn, và vì dạ dày của bé nhỏ nên cần được cho bú thường xuyên. Nhiều bé không biết cách làm sao để ngủ trở lại, và đây là một kỹ năng mà cơ thể bé cần thời gian để “học hỏi”.
>> Xem thêm: Vì sao nên hình thành thói quen đọc sách cho trẻNhững điều cha mẹ cần biết về giấc ngủ của con
– Điều đầu tiên mà cha mẹ nên biết và hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh là: bé không ngủ giống như người trưởng thành hoặc trẻ lớn hơn. Hãy quan sát con ngủ: bé sẽ cau mày, cười, cựa quậy tay chân, ưỡn mình. Thật ra bé đang mơ đấy! Sau đó, hãy quan sát bé lớn hoặc người lớn ngủ: hầu như là họ nằm im khi ngủ.
Chu kỳ ngủ có hai giai đoạn. Đối với người lớn, đó là giai đoạn REM (Rapid Eye Movement – Chuyển động mắt nhanh) và NREM (Non Rapid Eye Movement – Không chuyển động mắt nhanh). Đối với trẻ đó là giai đoạn ngủ động (active sleep) và ngủ yên (quiet sleep).
Khi bé được tám tháng, theo sự phát triển của não thì active sleep sẽ trở thành REM và quiet sleep trở thành NREM. Bé ngủ động nhiều hơn ngủ sâu và thời gian ngủ động chính là thời gian bé nằm mơ. Một điều ít ai biết rằng thật ra bé đã biết nằm mơ từ tuần thứ 25 trong bụng mẹ, nhưng điều này giảm dần cho đến khi bé ra đời. Sau đó bé sẽ dành khoảng một nửa thời gian ngủ của mình để nằm mơ.
Cũng giống như cơ thể bé, não của bé cần “tập luyện” để phát triển. Giấc ngủ động của bé sẽ giảm dần khi bé lớn, cho tới khi bé khoảng 3 tuổi thì thời gian mơ chỉ còn 1/3 của giấc ngủ. Việc nằm mơ như vậy, khi bé còn nhỏ, giúp cho bộ não phát triển. Người lớn cũng nằm mơ, và giấc mơ của người lớn giúp duy trì trí nhớ.
– Điều thứ hai chúng ta cần biết là bé chưa có nhịp điệu sinh học đều đặn khi chào đời – điều chỉnh sinh hoạt của cơ thể con người như ăn, ngủ, thức và hoạt động, bé chỉ bắt đầu biết phân biệt ngày và đêm vào khoảng bốn tháng tuổi.
– Điều thứ ba chúng ta cần biết là: cha mẹ nào hiểu được giấc ngủ của con và điều chỉnh sinh hoạt cũng như mong đợi của mình theo con thì sẽ ít căng thẳng và sẽ tận hưởng thời gian có con nhỏ hơn cha mẹ nào cố gắng điều chỉnh giấc ngủ của con theo mình mà không đạt kết quả.