Tại sao trẻ con hay hỏi
Đến một độ tuổi nhất định cùng với bản tính của trẻ là tò mò nên con sẽ luôn hỏi cha mẹ những câu hỏi bắt đầu bằng hai từ “Tại sao?”, “Vì sao?”. Dựa vào những câu hỏi của con cha mẹ sẽ biết được chúng đang cần khám phá, tìm hiểu về cuộc sống xung quanh, cũng như hình thành tư duy logic.
Trẻ thông minh hơn nhờ những câu hỏi tại sao
Có bao giờ bạn cảm thấy lúng túng trước những câu hỏi của con mình như:
– Tại sao hoa cũng có cánh như chim nhưng không bay được?
– Mẹ ơi, tại sao trái bắp lại có râu?
– Tại sao không gọi là thứ 8 mà phải là chủ nhật?
– Tại sao mẹ lại để tóc dài còn ba để tóc ngắn?
Sẽ thật tuyệt vời nếu cha mẹ biết rằng, những câu hỏi ngộ nghĩnh của trẻ tuy non nớt nhưng ẩn đằng sau đó là cả một quá trình: mắt quan sát, tai lắng nghe, óc so sánh, kết nối các dữ kiện khác nhau lại thành nhóm, sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt thành câu hỏi…
Thế nhưng, rất nhiều cha mẹ thú nhận rằng, khi nghe con liên tục hỏi “tại sao?” thường có hai cách phản ứng. Một là gạt phăng câu hỏi của trẻ đồng thời nóng giận nói “Trẻ con biết gì mà hỏi”. Cách phản ứng thứ hai là trả lời cho xong chuyện mà không đào sâu, tìm hiểu thêm hoặc trả lời sai sự thật để dọa trẻ không hỏi những câu hỏi khác. Điều đó vô tình dập tắt đi mong muốn tìm hiểu của trẻ khiến chúng ngại hỏi, ngại đưa ra ý kiến.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trung bình trẻ học được 81 từ mỗi ngày trước khi lên 2 tuổi. Từ 2 tuổi trở đi, khả năng ngôn ngữ và quan sát của trẻ phát triển mạnh mẽ, việc hỏi nhiều là dấu hiệu tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, và giúp trẻ hình thành thói quen tư duy, sáng tạo tích cực.
Do đó, cha mẹ cần quan tâm đến việc hình thành và định hướng thói quen hỏi nhiều cho trẻ ngay từ bé và học cùng trẻ một cách tích cực qua những câu hỏi.
Mẹo trả lời những câu hỏi tại sao của trẻ cha mẹ cần biết
Đối với các bậc phụ huynh, những câu hỏi không bao giờ dứt của trẻ luôn thách thức sự hiểu biết và cả sự kiên nhẫn. Thay vì dập tắt mọi sự tò mò của trẻ, Cửa Sổ Vàng có những gợi ý sau giúp cha mẹ có thể xử lý những câu hỏi của trẻ:
“Mình cùng khám phá theo cách khác nhé”
Trẻ con học được rất nhiều điều qua quá trình khám phá sự vật, hiện tượng. Nếu con muốn đổ một ly nước hoa quả ra sàn, hãy gợi ý con lấy một ly nước khác và đổ vào chậu. Đừng vội quy kết rằng con đang nghịch ngợm và phá phách, con chỉ đang muốn xem đổ nước ra sàn sẽ như thế nào thôi mà. Nếu bố mẹ cứ gào thét và cấm đoán, con sẽ càng nghịch ngợm hơn.
“Con tự nghĩ nhé”
Khi trẻ thắc mắc điều gì đó, bố mẹ đừng vội trả lời ngay. Nếu trả lời ngay, trẻ sẽ
hình thành tâm lý ỷ lại, lười suy nghĩ và bị động. Thay vào đó, bạn hãy nói: “Con tự nghĩ nhé, mẹ không biết” hoặc “Theo con thì tại sao lại như vậy?”. Bên cạnh đó, việc đặt câu hỏi ngược khiến trẻ phải tự tư duy và suy nghĩ. Tuyệt đối không cười nhạo câu trả lời ngô nghê của trẻ làm trẻ tự ti. Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tìm ra câu trả lời.
“Mình cùng hỏi chuyên gia nhé”
Cách này càng khiến trẻ tò mò và hồi hộp chờ được nhận câu trả lời hơn. Cha mẹ có thể nhờ sự trợ giúp từ mạng Internet, trong sách báo, tài liệu để tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc của trẻ.
Lưu ý: Đừng phớt lờ trước câu hỏi của trẻ
Không ít bậc phụ huynh, người lớn tỏ ra không quan tâm, không vui hoặc cảm thấy phiền hà khi phải giải thích cho trẻ. Cách hành xử như thế dễ khiến trẻ buồn, tổn thương. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần trẻ sẽ giảm bớt hứng thú để hỏi hoặc vì sợ mà e ngại không hỏi nữa, đi tìm người khác để hỏi, đôi khi là “tự thân vận động” tìm hiểu vấn đề trong khi khả năng của chúng có hạn, chưa kể gặp khó khăn, thậm chí nguy hiểm trong quá trình khám phá câu trả lời.
Hãy nhớ, bé đặt câu hỏi không phải lúc nào cũng cần được trả lời, đơn giản nó là một hình thức tìm kiếm sự chú ý. Điều trẻ cần là sự quan tâm, chú ý của bạn đến câu hỏi mà trẻ đưa ra.
Có thể thấy, những câu hỏi của trẻ là yếu tố quan trọng giúp trẻ không ngừng học hỏi, phát huy tốt nhất năng lực trí tuệ về sự sáng tạo, tư duy logic. Do đó người lớn nên khuyến khích trẻ tiếp tục hỏi nhiều hơn hoặc chủ động hơn qua các câu hỏi “tại sao?” để trẻ tự tư duy và trả lời. Cha mẹ hãy tận dụng khoảng thời gian này để giúp trẻ có tư duy vượt trội nhé.