Ngừng việc gắn mác xấu cho con trước khi quá muộn
“Đừng có làm thế! Vỡ bây giờ! Chỉ có phá là giỏi!” đó có phải là câu nói quen thuộc bạn thốt lên khi mỗi lần con làm hỏng đồ chơi mới mua hay con vô tình làm làm rơi, vỡ đồ đạc?
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta những bậc làm cha làm mẹ đã luôn vô tình gắn mác cho trẻ: nghịch, phá, hư, hỗn láo,… mà không hề để ý rằng những điều đó đã vô tình đã tác động xấu tới con trẻ. Sau khi đọc bài viết này, tôi hi vọng các bạn sẽ thay đổi cái nhìn và ngừng việc gắn mác xấu cho con trước khi quá muộn.
Trẻ con nô đùa, chạy nhảy khắp nơi là chuyện bình thường, đó là yếu tố cần thiết cho sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Trẻ sinh ra như một tờ giấy trắng nên điều gì đối với trẻ cũng mới mẻ, trẻ luôn tò mò, khám phá thế giới – đó là bản năng. Nhưng, những người làm cha mẹ không phải ai cũng hiểu được, họ coi những hành động đó là không ngoan và kèm theo vô số cái “mác xấu” khi nhắc tới con mình trong mỗi câu chuyện phiếm như: “Con nhà em nghịch lắm, láo lắm, rồi tăng động, phá phách, chẳng nghe lời….
Nhất là đối với quan điểm xưa của người Việt Nam “gắn tên xấu dễ nuôi”. Khi con khóc quấy thường phản ứng như: “cô (bác) đừng động vào nó, nó mắm thối lắm” hay “nó mè nheo lắm”.. Ngay cả những lúc con ngoan, ngủ say cũng gắn mác cho trẻ: “ ui, trội ui thằng chó xấu tính của bà, nhìn ngủ ngon quá ”…
Hay đơn giản như việc con được điểm kém môn Toán, bố mẹ đã đi trao đổi khắp nơi: con nhà chị thế nào? “ Con nhà em dốt lắm”, dạy trước quên sau rồi “Con nhà em nó ngang lắm, bướng lắm” và sau đó môn Toán của con từ không may điểm kém thành dốt thật.
>> Xem thêm: Khi trẻ giành đồ chơi – Cha mẹ hãy là nhà hoà giải chứ đừng là quan toà
Bị “Gán mác” tuổi thơ – Cả cuộc đời con lỡ dở
Tôi biết các bạn sợ mảnh kính cửa sổ vỡ sẽ làm bị thương con nhưng thay vì gắn mác cho trẻ là phá hoại, nghịch ngợm thì chúng ta nên nhẹ nhàng chỉ cho con nên đá bóng ở khu vực an toàn hơn nếu không mảnh vỡ sẽ làm con đau. Bạn có biết chính câu nói tưởng chừng nhỏ nhỏ nhặt đó, lặp đi, lặp lại nhiều lần đã vô thức in sâu vào cảm nhận của con, khiến cho con thiếu tự tin và kéo dãn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái và dần trẻ sẽ tin rằng chúng thật sự xấu xí, lười biếng và chai lì với những nhận xét tiêu cực.
Cũng giống như một miếng bọt biển hút hết nước xung quanh, trẻ em hấp thụ mọi điều mà cha mẹ nói. Trẻ sẽ thực sự tin rằng bé ngu ngốc, đáng ghét, béo ú, xấu xí hoặc bất cứ điều gì khác mà bạn gắn mác cho trẻ. Để con tự tin, nền tảng là con phải tin vào bản thân mình, bạn gắn mác xấu cho con thì con có tin vào bản thân nữa không? Những điều đó giống như hạt mầm gieo vào tâm hồn con, chúng sinh trưởng, phát triển và trở thành vật cản trong cuộc sống sau này của con. Vì thiếu tự tin nên con không dám đứng trước đám đông phát biểu ý kiến của mình, vì sợ làm sai nên con không dám thử thách bản thân nữa.
Chúng ta nên làm gì để cải thiện tình trạng gắn mác xấu cho con
Nếu như bạn hay quát mắng, nổi cáu, gắn mác cho trẻ, trước tiên hãy tự gắn mác cho mình là mẹ dịu dàng. Hãy ghi vào tờ giấy nhớ và dán ở nơi bạn thường xuyên nhìn thấy. Mỗi lần như thế bạn sẽ tự nhắc nhở mình không được gắn mác xấu cho con, phải biết điều tiết cảm xúc để giúp con hoàn thiện bản thân.
Thường xuyên khen ngợi khi con ngoan, con cố gắng nhưng cũng không nên khen trẻ quá lời vì như thế trẻ sẽ trở nên ngạo mạn, coi mình là nhất, là trung tâm và mọi người đều phải quay quanh, chiều theo ý bé nhưng cũng đừng dán lên người bé những từ ngữ xấu xí, tiêu cực. Hãy gắn mác “chăm chỉ, dễ thương, ngoan ngoãn, tốt bụng, nhân ái, …” để con luôn tự hào về bản thân và cố gắng để được như những cái mác đấy.
Ngoài ra, thay vì gắn mác xấu cho trẻ thì ta sẽ dành những tên gọi, những lời động viên, khích lệ tinh thần trẻ nhỏ. Nếu con bạn hay nhăn nhó hãy gắn cho con mác kháu khỉnh, nếu con bạn hay ăn hiếp dành đồ của người khác hãy gắn cho con mác “người truyền năng lượng yêu thương”, nếu con bạn luôn bi quan hãy gắn cho con mác “lạc quan”. Gắn mác nó như 1 phép màu vậy. Những mác tưởng chừng như rất vô lý đó có thể xảy ra phép màu trong nhà bạn vào ngày hôm sau. Bạn hãy thử xem, nó sẽ thay đổi cả cuộc đời của con bạn đấy.